Theo Chương III, Điều lệ Hội KHKT Thử nghiệm không phá hủy nêu ra các quy định về Hội viên Hội VANDT như sau: Chương III HỘI VIÊN Điều 9. Hội viên và tiêu chuẩn hội viên 1. Hội viên của Hội Thử nghiệm không phá hủy gồm hội viên chính thức, hội viên liên […]
Theo Chương III, Điều lệ Hội KHKT Thử nghiệm không phá hủy nêu ra các quy định về Hội viên Hội VANDT như sau:
Chương III HỘI VIÊN
Điều 9. Hội viên và tiêu chuẩn hội viên
1. Hội viên của Hội Thử nghiệm không phá hủy gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự:
a) Hội viên chính thức: Tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thử nghiệm không phá hủy có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tán thành Điều lệ Hội Thử nghiệm không phá hủy, tự nguyện nộp đơn xin gia nhập Hội được Ban Thường vụ Hội xem xét, quyết định kết nạp;
b) Hội viên liên kết: Tổ chức, công dân Việt Nam có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hội, tán thành Điều lệ Hội Thử nghiệm không phá hủy, nếu có nguyện vọng tham gia hoạt động Hội có thể được Ban Thường vụ Hội xem xét, công nhận;
c) Hội viên danh dự: Tổ chức, doanh nghiệp, công dân Việt Nam không có điều kiện hoặc không có đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức, có đóng góp tích cực cho hoạt động của Hội, tán thành Điều lệ Hội Thử nghiệm không phá hủy có thể được Ban Thường vụ Hội xem xét, công nhận.
2. Tiêu chuẩn hội viên chính thức:
a) Hội viên tổ chức: Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Thử nghiệm không phá hủy được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân. Đại diện hội viên tổ chức gia nhập Hội phải là công dân Việt Nam có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt;
b) Công dân Việt Nam, đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự đã và đang công tác trong lĩnh vực thử nghiệm không phá hủy có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt.
Điều 10. Nghĩa vụ của hội viên
1. Chấp hành Điều lệ của Hội, các nghị quyết Đại hội, các quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
2. Thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn uy tín và đạo đức nghề nghiệp.
3. Đoàn kết, xây dựng Hội phát triển vững mạnh vì lợi ích chung của Hội, hội viên và của đất nước; xây dựng quan hệ hợp tác, giúp đỡ giữa các hội viên.
4. Hội viên chính thức đóng góp hội phí và các khoản xây dựng quỹ của Hội theo quy định của Hội.
5. Bảo vệ uy tín của Hội, không được tự ý nhân danh Hội hoặc đại diện Hội trong các quan hệ, giao dịch khi không được Hội phân công, giới thiệu bằng văn bản.
6. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hội.
7. Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội.
Điều 11. Quyền của hội viên
1. Tham gia thảo luận, biểu quyết chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội, đề đạt, phát biểu ý kiến về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
2. Được Hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. Được quyền tham gia ứng cử, bầu cử các cơ quan lãnh đạo, Ban Kiểm tra Hội theo quy định của Hội.
3. Được chất vấn về mọi hoạt động của Hội. Được cử tham gia hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đăng tải các công trình khoa học trên tạp chí của Hội theo quy định của Điều lệ và quy định của pháp luật.
4. Được ra khỏi Hội khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viªn.
5. Được giới thiệu hội viên mới và được Hội xem xét khen thưởng nếu có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội.
6. Hội viên là các pháp nhân được cử người đại diện của mình tham gia Hội theo quy ®Þnh cña Hội.
7. Được cấp Thẻ “Hội viên Hội Thử nghiệm không phá hủy”. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể việc ấn hành, cấp phát và quản lý thẻ hội viên.
8. Hội viên liên kết và hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hội và ứng cử, bầu cử Ban lãnh đạo, Ban Kiểm tra của Hội. Hội viên danh dự không phải đóng hội phí.
Điều 12. Hình thức, thủ tục và thẩm quyền kết nạp, xóa tên hội viên
1. Tổ chức, công dân Việt Nam quy định tại Khoản 1, Điều 9 Điều lệ này muốn gia nhập Hội; hội viên có nguyện vọng xin ra khỏi Hội phải làm đơn gửi Văn phòng Hội. Việc kết nạp và xóa tên hội viên do Văn phòng Hội đề nghị Ban Thường vụ Hội xem xét, trình Chủ tịch Hội quyết định.
2. Tư cách hội viên sẽ bị chấm dứt hoặc bị xoá tên khỏi danh sách hội viên của Hội khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Tự nguyện xin ra khỏi Hội khi xét thấy không thể hoặc không muốn tiếp tục tham gia hoạt động Hội. Trong trường hợp này, hội viên cần thông báo chính thức bằng văn bản cho Hội trước 01 (một) tháng và phải nộp lại thẻ hội viên;
b) Hoạt động trái với Điều lệ hoặc vi phạm một trong những nội dung quy định trong Điều lệ Hội làm ảnh hưởng đến thể diện và uy tín của Hội;
c) Vi phạm pháp luật bị kết tội và phải chịu hình phạt khi có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật;
d) Bị chết, mất tích hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
đ) Tổ chức tự ngừng hoạt động, bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc tuyên bố phá sản;
e) Hội viên không tham gia sinh hoạt Hội trong 03 (ba) kỳ liên tiếp, không đóng hội phí trong thời gian từ 01 (một) năm trở lên mà không có lý do chính đáng.
3. Hội viên bị khai trừ khi có trên 1/2 (một phần hai) số ủy viên Ban Thường vụ biểu quyết tán thành. Quyết định khai trừ hội viên có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch Hội ký.
4. Văn phòng Hội có trách nhiệm đăng tải danh sách hội viên kết nạp mới và thông báo danh sách hội viên bị xóa tên công khai trên Website của Hội trong vòng 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực.